Theo giới kinh doanh ngành mực in, hàng giả hàng nhái rộ lên mạnh mẽ vài tháng gần đây. Trước đó, hiện tượng này cũng có nhưng không qui mô và “hoành tráng” như bây giờ.
Giả nhiều nhất đang tập trung vào các loại mực 13A, 15A, 24A, 92A, 06F, 29X dùng cho máy in laser của Hãng HP.
Giả tinh vi!
Bà Võ Thục Hằng, phụ trách phát triển sản phẩm HP tại VN, khẳng định tại thị trường VN chỉ có một loại sản phẩm duy nhất, không hề có hàng loại một hoặc loại hai. Như vậy loại hàng mà người bán nói với khách mua là hàng loại hai của HP do nước thứ ba làm là hàng làm giả 100%!
Giá mực chính hãng thường rất cao, chẳng hạn như loại HP 06F có giá 54 USD/hộp, loại HP13A giá đến 65,5 USD/hộp. Trong khi đó “hàng loại hai” giá rẻ hơn, như HP 13A giá chỉ khoảng 52 USD/hộp, HP 06F chỉ 44 USD/hộp. Mức độ làm giả của các hộp mực siêu đến mức nếu chỉ nhìn vỏ hộp bên ngoài bằng mắt thường thì không thể nào phân biệt nổi đâu là hàng chính hãng đâu là hàng giả.
Theo thông báo của HP, hàng chính hãng có hai loại tem. Một là tem chính hãng của HP trên toàn cầu. Hai là tem chống hàng giả của HP Việt Nam ngay trên từng vỏ hộp. Thế nhưng với tem chính hãng, hàng giả làm không khác một mảy may nào! Còn với tem chống hàng giả của HP Việt Nam, dù nhà sản xuất đã cẩn thận tráng lớp bạc bằng tia cực tím, ở mép bên trái của tem có mã số riêng của từng nhà phân phối và mã số riêng của HP thì… cũng bị giả nốt! Tem giả làm được luôn cả lớp tráng bạc, khi nhìn nghiêng cũng có độ óng ánh chẳng khác gì tem thật.
Qui trình làm giả mực in như sau: thu gom hộp mực đã dùng để sử dụng lại phần hộp nhựa bên ngoài. Nếu vỏ hộp bên ngoài quá cũ, chỉ cần dùng “cà na” để đánh bóng xe máy “tút” lại là như mới hoàn toàn. Rồi bơm mực của Trung Quốc hoặc Đài Loan vào là có thể đóng gói tái xuất tiêu thụ.
Những chi tiết như drum mực (trống từ), bộ phận gạt mực và những linh kiện kỹ thuật khác trong hộp mực hoàn toàn không được ngó ngàng gì đến. Chính vì vậy lỗi thường gặp nhất ở mực giả là nghẹt mực, mực ra không đều, giấy bị cuốn, chữ mất nét và mực hao rất nhanh.
Lời to!
Chi phí tất tần tật của một hộp mực giả chỉ khoảng 20-22 USD/hộp. Sau đó các mối tiếp tục bỏ lại cho các chân rết tiêu thụ với mức 27-29 USD/hộp. Giá sẽ được kê lên mức trên 45 USD/hộp (tùy loại mực) khi đến tay người tiêu dùng. Cái quan trọng nhất của hộp mực giả chính là vỏ hộp. Đây là yếu tố then chốt đánh vào tâm lý người mua có chịu sản phẩm hay không.
Theo chúng tôi được biết, hiện có khoảng 20 mối bỏ hàng lớn (tức làm ra sản phẩm hoàn chỉnh) với trên cả trăm chân rết trực tiếp bỏ hàng tại khắp các địa điểm trong thành phố. Riêng các nhà cung cấp bao bì (vỏ hộp mực bên ngoài) có khoảng 10 “trùm” đang thống lĩnh.
Trong vai mới bung ra làm ăn riêng, chúng tôi tìm được đến một cơ sở chuyên cung cấp thùng giả để đặt hàng. “Chỗ quen biết, anh chỉ lấy 14.500 đồng nguyên con HP. Yên tâm là có cả rọ và giấy hướng dẫn đàng hoàng. Em thích in giống như hàng thiệt cũng được, còn không thì là bản photocopy” – “trùm” T. xởi lởi giới thiệu hàng mẫu. Phải thừa nhận mẫu chào của “trùm” T. đạt đến độ thượng thừa về trình độ in ấn.
Gần như các chi tiết “đắt” nhất như độ sắc nét của co chữ, màu hồng hào của bàn tay người mẫu trên hình nền của HP, chất liệu giấy, các răng cưa trên mép hộp… chẳng khác gì của chính hãng. “Phải làm qua rất nhiều đợt mới có được mẫu hộp hoàn chỉnh như vậy đó.
Làm lùi xùi, đơn giản như trước ai mà thèm, lộ chết!” – “trùm” T. hồ hởi khoe. T. cũng giao kèo thêm chỉ nhận giao hàng tận nơi nếu đặt mua trên 200 hộp, chứ đặt ít quá thì “rất lẻ mẻ, dễ lộ”. Tiền trả liền ngay khi nhận hàng, nhưng nếu chịu ứng trước 30-50% tiền cọc thì giá hữu nghị chỉ còn 12.500-13.000 đồng/bộ. Riêng hai tem chống giả được bán với giá 2.000 đồng/con với chất lượng bảo đảm “không giống không lấy tiền”.
Rời “trùm” T., chúng tôi tiếp tục đi đến một cửa hàng chuyên doanh thiết bị máy vi tính trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Sau khi nói đúng tên người giới thiệu, ông chủ cửa hàng cười hềnh hệch khi nghe chúng tôi than: “Gì mà tới 20.000 đồng vậy anh? Đắt quá lấy gì em có lời!”. “Ở đây chỉ có giá vậy thôi, hàng hiếm mà”, ông này vừa nói vừa sai nhân viên vào trong lấy hàng mẫu cho xem. So với hàng của T., độ in ở đây sắc sảo không bằng, chất liệu giấy dùng làm hộp cũng thua xa. Riêng tem thì cửa hàng này kê giá lên đến 3.500 đồng/con, đắt hơn “trùm” T. những 1.500 đồng/con. nhưng lại không được cho xem hàng mẫu.
Nhà sản xuất điêu đứng
“Chúng tôi thật sự điêu đứng với tình trạng hàng giả tràn ngập, chắc hoạt động của công ty không còn duy trì được bao lâu” – ông Nguyễn Chí Thanh, giám đốc điều hành Công ty TNHH mực in Toàn Quang, với thương hiệu sản phẩm là Vmax, bức xúc nói.
Đây là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong sản xuất mực in trong nước, công nghệ sản xuất ứng dụng theo tiêu chuẩn của Mỹ. Chủ trương sản xuất các dòng mực tương thích với tất cả các loại máy in hiện có mặt trên thị trường, Toàn Quang không những đăng ký thương hiệu của sản phẩm, có chiến lược sản xuất lẫn bảo hành sản phẩm không khác gì của HP, nhưng vẫn xính vính với vấn nạn hàng giả.
Không khác gì Vmax, các thương hiệu mực Việt khác như “Click”, “Opal”, “HN” cũng đứng ngồi không yên khi đi đâu chào hàng cũng thấy ngập tràn mực in giả. Theo khảo sát chưa đầy đủ, tổng thị phần của các DN trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng thị phần mực in trên thị trường.
So với giá của các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, giá sản phẩm trong nước thấp hơn 30-60% nhưng vẫn rất chật vật khi đối phó với hàng giả. Việc chống hàng giả cho đến nay rõ ràng DN không thể tự một mình xoay xở nổi. Đây cũng là vấn nạn làm đau đầu các DN ở rất nhiều ngành nghề khác nhau và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu.
Theo tuoitre
0 Bình luận về "Mực in: thật – giả khó lường!"